PayPal là gì? Các tiện ích PayPal dành cho bạn

PayPal là gì?

PayPal là dịch vụ thanh toán và chuyển tiền quốc tế qua mạng Internet, thay thế cho các phương thức truyền thông sử dụng giấy tờ như thư, séc hay các lệnh chuyển tiền. Trong nhiều năm liền PayPal luôn giữ vị trí top đầu trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến và chuyển tiền qua Internet.

PayPal còn được các nhà bán lẻ trực tuyến chấp nhận như một trong những hình thức thanh toán của cửa hàng, doanh nghiệp với tỉ lệ cao hơn rất nhiều so với các dịch vụ tương tự có thể kể đến như Liberty Reserve, Moneybookers, Webmoney, Neteller...

Chắc chắn sẽ không là nói quá khi khẳng định PayPal vẫn đang tiếp tục giữ ngôi vương trong cuộc đua khốc liệt của các ứng dụng thanh toán trực tuyến đang có xu hướng phát triển ngày một mạnh mẽ hiện nay.

Cổng thanh toán trực tuyến PayPal

Bài viết này Quantrimang sẽ cùng bạn tìm hiểu một số tiện ích cực kỳ hữu dụng mà PayPal dành cho bạn. Hãy cùng theo dõi xem nhé.

Gửi - thanh toán tiền qua PayPal

Phần lớn người dùng đăng ký tài khoản PayPal vì sự tiện dụng của chiếc ví này trong việc mua bán trực tuyến. Bạn có thể sử dụng PayPal để thanh toán cho bất kỳ hoạt động nào dưới đây:

  • Mua sắm trực tuyến từ các cửa hàng online.
  • Thanh toán sản phẩm tại cửa hàng bằng cách kết nối tài khoản PayPal của bạn với Google Pay hoặc Samsung Pay.
  • Chuyển tiền khi cần thiết.

Bạn có thể thấy logo của PayPal xuất hiện mọi nơi khi mua sắm trên internet không kém cạnh gì những cái tên “sừng sỏ” như VISA hay Mastercard. Điều này càng nhấn mạnh rằng việc sở hữu cho mình một tài khoản PayPal sẽ là cực kỳ hữu ích với bạn đấy.

Logo PayPal xuất hiện mọi nơi khi mua sắm trên internet

Một điều bạn cần biết nữa là PayPal có tính phí giao dịch theo 2 hình thức là thanh toán trong mua bánthanh toán cá nhân. Mỗi hình thức sẽ có cách tính phí khác nhau:

  • Thanh toán trong mua bán: Bên người mua sẽ được miễn phí còn bên người bán sẽ chịu một khoản phí theo quy định.
  • Thanh toán cá nhân: Nếu bạn dùng tiền trong tài khoản ngân hàng hoặc tài khoản PayPal thì sẽ được miễn phí. Nếu bạn dùng tiền từ Debit Card hay Credit Card sẽ bị tính phí theo quy định, tuy nhiên, phí này có thể lựa chọn là người gửi hay người nhận trả.

Chi tiết cách tính phí PayPal Quantrimang sẽ giải thích rõ hơn ở phía dưới.

Nhận tiền qua PayPal

Nhận tiền thanh toán hoặc chuyển khoản qua PayPal cũng dễ dàng như việc gửi thôi. Nếu nhận tiền ở hình thức cá nhân, bạn sẽ không phải trả bất kỳ một khoản phí nào khác. Tuy nhiên nếu bạn có vai trò là người bán hàng (ví dụ trên các trang mua sắm trực tuyến như Amazon, Ebay…) thì phía bạn sẽ phải trả một khoản phí giao dịch cho PayPal. Chi tiết mình sẽ update bên dưới.

Bạn có thể theo dõi những giao dịch này trong chi tiết giao dịch của mình, cũng có thể lựa chọn in hóa đơn thanh toán hoặc hoàn trả thanh toán nếu cần.

Tạo hóa đơn

Tạo hóa đơn trên PayPal

Để tạo hóa đơn trong PayPal, hãy đăng nhập tài khoản của bạn, nhấp vào More và chọn Create an invoice. PayPal giúp bạn dễ dàng tạo một hóa đơn cho mặt hàng bạn cần và đã thanh toán qua cổng thanh toán này.

Khi đã hoàn thành việc nhập hóa đơn, bạn chỉ cần click vào nút Send để gửi nó đến bất kỳ địa chỉ email nào cần.

Thêm PayPal vào lựa chọn thanh toán cho trang web của bạn

Nếu bạn đang cân nhắc thêm PayPal vào danh mục các công cụ thanh toán cho doanh nghiệp mình thì hay chú ý hướng dẫn sau đây.

Đầu tiên bạn cuộn xuống phía dưới bên phải trang chính và nhấp vào tùy chọn Manage Buttons. Ở đây bạn sẽ thấy một danh sách các nút mình đã tạo và click vào Create new button ở bên phải.

Những bước tiếp theo PayPal sẽ hướng dẫn bạn cách tùy chỉnh và cách hoạt động của các nút bạn chọn như giá, chi phí vận chuyển, thuế phải trả…

Có nhiều loại nút PayPal có sẵn dành cho trang web

Có một số loại nút sẵn có cho dành cho trang web của bạn như:

  • Shopping Cart - Giỏ hàng
  • Buy Now - Mua ngay
  • Donations - Đóng góp
  • Subscriptions - Đăng ký
  • Automatic Billing - Thanh toán tự động
  • Installment Plan - Kế hoạch trả góp

Các hướng dẫn của PayPay sẽ thay đổi tùy thuộc vào nút bạn chọn. Sau khi hoàn tất tùy chỉnh các nút của riêng mình, bạn cần sao chép mã nhúng và dán nó vào trang web là hoàn thành việc thêm PayPal vào danh sách công cụ thanh toán của mình rồi.

Quản lý tài khoản PayPal

Bạn có thể dễ dàng theo dõi, quản lý và tìm kiếm tất cả các giao dịch đã được xử lý trong tài khoản PayPal của mình bằng tùy chọn lịch sử giao dịch. Chức năng này cực kỳ hữu ích cho việc kê khai thuế khi bạn cần một bản ghi đầy đủ về tình hình kinh doanh của cửa hàng/doanh nghiệp mình trong cả năm hoạt động.

Trang tóm tắt chính cung cấp cho bạn tổng quan về các giao dịch gần đây nhất của bạn. Để tìm hiểu sâu hơn, nhấp vào liên kết Activity trong menu và chọn Statements ở góc trên bên phải của trang.

Dễ dàng theo dõi, quản lý và tìm kiếm tất cả các giao dịch trong PayPal

Tại đây, bạn có thể truy cập các tùy chọn để xem lịch sử trong tài khoản của mình.

  • Custom: Cho phép bạn xem phạm vi ngày hoặc bộ lọc theo tiền đến hoặc đi.
  • Standard: Xem toàn bộ lịch sử tài khoản của bạn.
  • Tax Docs: Chỉ xem dữ liệu cần cho hồ sơ thuế của bạn.
  • Quick Reports: Tổng quan về các giao dịch trong tháng trước của bạn.

Nếu bạn sử dụng PayPal cho tất cả các giao dịch kinh doanh của mình, các báo cáo này sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc quản lý hồ sơ tài chính cần thiết để theo dõi mọi hoạt động của doanh nghiệp mình.

Tiện ích khác của PayPal

PayPal đã phát triển qua nhiều năm để trở thành một công cụ giao dịch tài chính hoàn hảo cho nhiều mục đích. Không chỉ đơn thuần là nhận thanh toán hay mua hàng online, PayPal còn cung cấp thêm nhiều tiện ích như sau:

  • Đóng góp cho một tổ chức từ thiện: PayPal cung cấp một danh sách các tổ chức từ thiện lớn, bạn có thể quyên góp trực tiếp từ tài khoản của mình.
  • Tạo một quỹ tài chính nhỏ: Nếu bạn muốn có một quỹ nhỏ với mục đích như hợp tác kinh doanh với bạn bè, hay một khoản tài chính chung trong gia đình, rất đơn giản, bạn chỉ cần tạo một quỹ từ tài khoản PayPal của mình và mời bạn bè đóng góp qua email cực kỳ đơn giản.
  • Gửi quà tặng: Sử dụng biểu mẫu Send a Gift của PayPal để gửi quà tặng “tài chính” qua email hoặc số điện thoại di động người nhận.
  • Tách hóa đơn: Tùy chọn này cực kỳ hữu ích nếu bạn đang thuê chung phòng với bạn bè và cần chia hóa đơn.

Cách tính phí của PayPal

Nhìn chung, biểu phí của PayPal khá rẻ, tất nhiên cũng tùy vào dịch vụ bạn sử dụng.

Nếu bạn thực hiện thanh toán nội địa trong Hoa Kỳ từ tài khoản của mình thì PayPal hoàn toàn không tính phí. Nếu chuyển qua quốc gia khác thì cần phải trả một khoản cố định.

Thanh toán trong mua bán: Bên người mua sẽ được miễn phí còn bên người bán sẽ chịu phí tính theo công thức: 2.9% - 3.9% tổng giao dịch + 0.30 USD + phụ phí.

Thanh toán cá nhân: Nếu bạn dùng tiền trong tài khoản ngân hàng hoặc trong tài khoản PayPal thì sẽ được miễn phí. Trường hợp bạn dùng tiền từ Debit Card hay Credit Card sẽ bị tính phí như sau: 2.9% tổng số tiền + 0.30 USD (phí này có thể lựa chọn là người gửi hay người nhận trả).

Phụ phí bạn cần phải trả thông thường tùy thuộc vào tổng số tiền thanh toán.

  • $0.00-$49.99: phí 99 cent cho mỗi giao dịch.
  • $50.00-$99.99: phí $2.99 cho mỗi giao dịch.
  • $100.00+: phí $2.99 nếu thanh toán đến Canada và các quốc gia Châu Âu, $4.99 cho các quốc gia còn lại.

Chú ý là tỷ giá của Paypal có thể khác tỷ giá tại Việt Nam một chút nhé (Tỷ giá hối đoái).

Tại sao bạn nên chọn PayPal?

  • Hệ thống thanh toán PayPal cự kỳ bảo mật.
  • Mạng lưới hệ thống rộng khắp, sử dụng trên toàn thế giới một cách nhanh chóng, tiện lợi.
  • An toàn khi giao dịch cho cả người bán và người mua (tính năng có thể đòi lại số tiền sau khi đã gửi tiền đến tài khoản khác khi bị lừa đảo).
  • Dịch vụ hỗ trợ chăm sóc khách hàng tốt và nhanh chóng.
  • Hạn chế bị lộ thông tin tài khoản ngân hàng, vì mỗi lần thanh toán, bạn không phải nhập số thẻ thanh toán quốc tế (VISA, Mastercard) vì đã cung cấp cho PayPal khi đăng ký tạo tài khoản.

Nhìn chung qua nhiều năm phát triển, PayPal đã trở thành một trong những dịch vụ tài chính trực tuyến được tin tưởng nhất. Nhiều dịch vụ khác đã và đang cố gắng cạnh tranh, cung cấp các dịch vụ tương tự, nhưng hầu như không một "lính mới" nào có độ phủ sóng mạnh mẽ và rộng lớn như PayPal.

Nếu bạn chưa bao giờ sử dụng ứng dụng này thì còn chần chừ gì nữa mà không thử ngay nhỉ? Quantrimang nghĩ bạn sẽ không phải thất vọng đâu!

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?